image banner
THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
  
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Giữ gìn bản sắc văn hóa miền Tây Nghệ An nhờ phát triển du lịch cộng đồng
Vớisự đa dạng sinh học và bản sắc văn hoá độc đáo, miền Tây Nghệ An được UNESCOcông nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2007. Sau hơn 10 năm đượccông nhận, việc gìn giữ và phát huy danh hiệu vừa đảm bảo duy trì bền vững sựđa dạng sinh học, giữ gìn bản sắc văn hóa trước yêu cầu phát triển kinh tế củađịa phương là thách thức không hề nhỏ đối với miền Tây Nghệ An trong thời giantới.

Với sự đa dạng sinh học và bản sắc văn hoá độc đáo, miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2007. Sau hơn 10 năm được công nhận, việc gìn giữ và phát huy danh hiệu vừa đảm bảo duy trì bền vững sự đa dạng sinh học, giữ gìn bản sắc văn hóa trước yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương là thách thức không hề nhỏ đối với miền Tây Nghệ An trong thời gian tới.

Tiếng cồng chiêng của đồng bào dân tộc Thái lưu luyến biết bao du khách gần xa

Để bảo tồn và phát triển vùng sinh quyển miền Tây Nghệ An, mô hình du lịch cộng đồng (homestay) tại các bản làng dân tộc là hướng đi bền vững đang được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện. Với sự khác biệt về tập quán vùng miền, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, vùng sinh quyển miền Tây Nghệ An trở thành điểm thu hút khách du lịch trong nước và Quốc tế. Hiện nay, du lịch cộng đồng bước đầu đã tạo được sự khởi sắc trong phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa các huyện miền Tây xứ Nghệ. Khu Dự trữ sinh quyển ở miền Tây Nghệ An bao gồm 9 huyện miền núi: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, Anh Sơn với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha.

Đây là nơi lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn mang đậm nét văn hoá đặc sắc của cộng đồng 6 dân tộc: Thái, Thổ, Kinh, Khơ Mú, Ơ Đu và H’ Mông. Bên cạnh đó, đây là vùng đất thú vị đối với du khách yêu thích khám phá thiên nhiên, những cảnh sắc kỳ vĩ như thác Sao Va, thác 7 tầng (Quế Phong); “cổng trời” Mường Lống (Kỳ Sơn), đảo chè (Thanh Chương)… Ngoài ra, khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có hệ động, thực vật đa dạng, phong phú với nhiều loài đặc hữu được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và Thế giới. Với độ che phủ gần 80%, gần như toàn bộ hệ sinh thái rừng nơi đây được gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn. Đa dạng bản sắc văn hóa, đa dạng sinh học đã góp phần tạo nên dấu ấn đặc trưng của miền Tây xứ Nghệ, là điểm đến của khách du lịch thập phương đến tham quan, khám phá.

Con Cuông được xem là huyện đi đầu trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Thời gian qua, huyện cũng đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế. Hiện, Con Cuông có 4 bản xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gồm: Bản Nưa (xã Yên Khê), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Xiềng (xã Môn Sơn) và bản Nà Pha (xã Yên Khê). Thời gian qua, du lịch cộng đồng Con Cuông phát triển mạnh, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và khám phá miền đất nhiều lý thú này. Chỉ 9 tháng đầu năm 2017, huyện đã đón hơn 30.000 lượt khách du lịch (trước đó, bình quân mỗi năm huyện chỉ đón khoảng 10.000 lượt khách).

Cuối tháng 8 vừa qua, chúng tôi có dịp hòa vào một nhóm du khách ở Hà Nội thưởng thức mô hình du lịch cộng đồng ở bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông. Đến đây, du khách được thưởng thức văn hoá ẩm thực với một mâm cỗ hơn 10 món ăn truyền thống của người dân tộc Thái như: Cơm lam dẻo thơm, ngon được nấu trong những ống nứa nhỏ; cá mát nướng giòn, dai nguyên con; gói moọc mềm nhuyễn bọc trong lá chuối; gà xiên lá chanh nướng lửa than; xôi cẩm, canh khầu khiều, măng rừng… Tất cả được bày khéo léo, đẹp mắt lên chiếc mâm mây, lót lá chuối. Sau bữa cơm, du khách sẽ được hòa vào tiếng cồng chiêng, tiếng khắc luống, uống rượu cần và những làn diệu dân ca, dân vũ, những điệu múa cổ của dân tộc Thái dưới chân nhà sàn…

Có thể nói, mô hình du lịch cộng đồng góp phần phát huy thế mạnh địa phương, phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là cách phát triển du lịch văn hóa theo hướng bền vững, góp phần tích cực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ. Bởi, khi chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện thông qua hoạt động du lịch sẽ tạo động lực cho người dân tham gia bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống để giữ gìn sinh kế lâu dài, bền vững. Đồng thời, tạo cơ hội cho du khách thập phương cùng tìm hiểu, khám phá và nâng cao nhận thức bảo tồn giá trị văn hóa tại vùng sinh quyển.

Thu Thủy

Nguon Congannghean.vn


CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ DU LỊCH NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm nội dung: Giám đốc sở - Nguyễn Mạnh Cường
Trụ sở: Số 64 - Đường Nguyễn Thị Minh Khai - Thành phố vinh - Nghệ An
Điện thoại: 02383.841.557 - Email: dulichna@nghean.gov.vn