Truông Bồn - Địa danh huyền thoại trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại
Nằm trên tuyến đường 30 thuộc đường chiến lược 15A chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), Truông Bồn - một đoạn đèo dốc có chiều dài 5km, độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển - đã trở thành địa danh Huyền thoại trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỉ XX.
Nằm trên tuyến đường 30 thuộc đường chiến lược 15A chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), Truông Bồn - một đoạn đèo dốc có chiều dài 5km, độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển - đã trở thành địa danh Huyền thoại trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỉ XX.
Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. (Ảnh: Congluan)
Truông Bồn là địa danh đã trở thành huyền thoại bất tử của những người mở đường, biểu tượng cho lòng quả cảm và tinh thần cách mạng kiên trung của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ của dân tộc, Truông Bồn trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt, nơi đế quốc Mỹ điên cuồng dội bom hòng cắt đứt mạch máu giao thông trên tuyến đường vận chuyển lương thực, súng đạn, vũ khí… từ hậu phương miền Bắc chi viện tiền tuyến miền Nam.
Theo thống kê, trong những năm 1964 – 1968, giặc Mỹ đã trút xuống mảnh đất Đô Lương nói chung và vùng Truông Bồn nói riêng 18.936 quả bom và hàng chục ngàn quả tên lửa. Dẫu vậy, hàng vạn chiến sĩ, bộ đội, công nhân giao thông, thanh niên xung phong và nhân dân vẫn ngoan cường, đội mưa bom để đánh địch, nối đường, bảo đảm thông đường cho những chuyến xe chở hàng ra tiền tuyến.
Khu tưởng niệm ghi công các TNXP, liệt sĩ đã ngã xuống. (Ảnh: Dantri)
Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy, nhất là từ đầu năm 1968 sau khi bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom đánh phá miền Bắc. Sau khi đánh phong tỏa các tuyến đường sắt, đường thủy, quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An, chúng đã huy động một lực lượng không quân khổng lồ, ồ ạt trút bom đạn xuống Truông Bồn với chiến dịch mang tên “Sấm rền”, hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta.
Tuy nhiên, bom đạn của giặc Mỹ đã không thể khuất phục được ý chí quyết tâm của các lực lượng của quân và dân ta. Trên 1000 cán bộ, chiến sĩ của 9 Đại đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An vẫn ngày đêm bám trụ và chiến đấu ngoan cường với tinh thần và quyết tâm sắt đá: “Vì miền Nam ruột thịt”; “Đường chưa thông không tiếc máu xương”; “Sống bám cầu, bám đường - Chết kiên cường dũng cảm”; “Tất cả cho tiền tuyến”; “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Biết bao người đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại trên mảnh đất thiêng liêng này, cống hiến toàn bộ tuổi xuân cho hạnh phúc của dân tộc và tương lai của đất nước. Đặc biệt là sự hy sinh vô cùng anh dũng và quả cảm của 13 chiến sĩ của “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử” thuộc Đại đội TNXP 317, Tổng đội TNXP Nghệ An vào ngày 31/10/1968.
Tượng đài Chuông Bồn. (Ảnh: Truongbon.vn)
Khu mộ - nhà che mộ 13 anh hùng liệt sĩ TNXP, nhà tưởng niệm 1240 anh hùng liệt sĩ.
Để ghi nhận địa danh Truông Bồn; ghi nhận sự cống hiến và hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ trên cung đường huyền thoại Truông Bồn, đặc biệt là sự cống cống hiến và hy sinh anh dũng của 13/14 chiến sĩ “Tiểu đội thép”, ngày 12/01/1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã ban hành Quyết định số 51-QĐ/BT công nhận di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.
Năm 2010, UBND Nghệ An đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình “Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn” với tổng diện tích lên tới 21,7 ha, tổng mức vốn đầu tư 365 tỷ đồng.
Sau 5 năm xây dựng, ngày 07/8/2015, công trình Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn đã chính thức khánh thành. Từ đó tới nay, di tích này trở thành một “địa chỉ đỏ” – điểm đến du lịch lịch sử vô cùng ý nghĩa.
Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã được hồi sinh ngay trên “Tọa độ chết” năm xưa. Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn hôm nay - biểu tượng lịch sử của TNXP Nghệ An, nơi hội tụ linh hồn của 1.240 cán bộ, chiến sĩ của quân và dân ta đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh để bảo vệ huyết mạch giao thông Truông Bồn – làm nên một Truông Bồn Huyền thoại trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ XX đã trở thành một “địa chỉ đỏ” – điểm đến du lịch lịch sử rất ý nghĩa đối với các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Nguồn: cinet.