image banner
THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
  
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Dân ca ví, giặm bay xa sau 10 năm UNESCO ghi danh

Theo Báo Nghệ An

Dân ca ví, giặm là hồn thiêng cốt lõi của ngôn ngữ, văn hóa nhân dân xứ Nghệ, được kiến tạo bởi một phong cách Nghệ. Đấy là những con người chất phác, thật thà trên vùng đất phong cảnh trữ tình nhưng đầy gian khổ để tạo ra khí chất, cốt cách người Nghệ.

Dân ca ví, giặm là hồn cốt của người Nghệ

Theo cơ chế và quy luật tự nhiên từ phát triển của đời sống mà Dân ca xứ Nghệ bị mai một dần. Những làn điệu hò, ví, giặm hát trên sông, hát đối nhau trên ruộng đồng, lên non… dần thưa thớt và đã chuyển sang một hình thức khác như hát hội, hát đám…

Anh-tin-bai

Nếu chỉ hát không đối đáp thì sẽ dần đơn điệu, không thể chuyển tải đủ nên các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ bắt đầu nâng cấp lên một bước là sân khấu hóa dân ca. Khi nghiên cứu đổi mới, các tác giả ngoài giữ nguyên những làn điệu cổ, đồng thời, lấy những cấu trúc của chèo, bẻ làn, nắn điệu, dùng âm vực Nghệ, phương ngữ cho ra các làn điệu thích ứng với những tình huống kịch để bây giờ chúng ta có đủ các hệ thống làn điệu cải biên dùng rất có hiệu quả trên sân khấu.

Trong trường kỳ lịch sử phát triển và tồn tại, Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh đã trải qua 3 lần chuyển đổi lớn. Đầu tiên chỉ chuyển đổi cách thức và địa điểm trình diễn, còn âm nhạc và lời ca ví, giặm cổ truyền vẫn được bảo toàn (chưa ai xác định chính xác về thời gian). Không gian ví, giặm giải trí được chuyển đổi sớm nhất có lẽ là do các nghệ nhân hát rong. Những người yêu ví, giặm cũng đã đặt ra muôn vàn lời ca có nội dung khác nhau, cách sắp xếp làn điệu khác nhau để biểu diễn trong cộng đồng.

Anh-tin-bai
Diễn xướng ví, giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh: Thục Khuyên

Bên cạnh đó, khoảng giữa thế kỷ XX đã biến Dân ca ví, giặm thành phương tiện thể hiện tình huống, tâm trạng nhân vật kịch của sân khấu ví, giặm. Do đó, âm nhạc và lời ca dân gian được thay thế bằng lời ca và âm nhạc phục vụ câu chuyện kịch, nhân vật kịch. Như vậy, rõ ràng Dân ca ví, giặm không những được bảo tồn nguyên bản mà còn có những bước phát triển về chất, đó là sự chuyển hóa từ hình thức ca hát dân gian, đến ca nhạc chuyên nghiệp, rồi ca kịch sân khấu.

Biến chuyển mạnh nhất là những năm 1967 cho đến sau này như: Không phải tôi, Khi ban đội đi vắng và riêng Cô gái sông Lam... Các tác giả viết ra rất nhiều làn điệu không chỉ từ nguyên bản Dân ca ví, giặm như Giận thương, Hát khuyên… mà còn các làn điệu chủ yếu cải biên từ chèo và các thể loại khác sang như: Lập lờ, Tứ hoa… Hơn 80 làn điệu được sáng tạo ra, đó là một bước nhảy để cho Dân ca ví, giặm có một đời sống mới.

Anh-tin-bai
Tiết mục Dân ca ví, giặm do các nghệ sĩ Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn. Ảnh: Thục Khuyên

Đời sống mới của dân ca ví giặm

Hiện nay, chúng ta đang hình thành lần chuyển đổi thứ 3, là sự tác động qua lại, tương hỗ ở 2 giới thực hành nghệ thuật này sau 10 năm từ khi Dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh (2014). Những làn điệu trên sân khấu kịch hát dân ca đã được người dân ứng dụng đưa vào tiểu phẩm để phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng như: Hát Khuyên, Tứ hoa, Con cóc

Dân ca ví, giặm tiếp tục đi theo con đường của nó để thích ứng, phù hợp với xã hội đương đại. Phong trào hát dân ca được nâng cao, đặc biệt từ khi được UNESCO ghi danh như là nguồn động viên cho nhân dân xứ Nghệ. Sôi nổi không chỉ trong nhân dân mà các cấp chính quyền đã vào cuộc mạnh mẽ. Hàng năm, đã tổ chức các hội diễn, liên hoan cấp phường, xã, thôn, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ…, nhà nhà hát dân ca, người người hát dân ca. Đâu có người Nghệ thì tức khắc ở đó phải có Dân ca ví, giặm. Các nhạc sĩ viết rất nhiều những ca khúc, hợp xướng… phát triển từ Dân ca ví, giặm tạo ra một bước tiến mạnh mẽ trong cộng đồng trên cả nước và ở nước ngoài.

Anh-tin-bai
CLB Dân ca ví giặm huyện Hưng Nguyên trong một buổi biểu diễn. Ảnh: Trung tâm Văn hoá huyện Hưng Nguyên cung cấp

Trên cơ sở giữ nguyên bản làn điệu cổ và tiếp tục phát huy, phát triển tiếp cho đến hôm nay, Dân ca ví, giặm cũng mới chỉ thử nghiệm các làn điệu, đối đáp và chuyển thể kịch hát chứ chưa hề có kịch bản diễn xướng. Đỉnh cao của hát đối là “Thử lòng chung thủy” biên soạn cố NSƯT Đình Bảo, Bần hát ghẹo của NSND Tiến Dũng.

 

Để phục hồi lại các trò diễn xướng, năm 2007, NSND Hồng Lựu đã lấy cảm hứng và tiêu đề từ bức tranh của cố họa sĩ Tiêu Cao Sơn. Kịch bản diễn xướng đầu tiên “Đêm trăng phường vải” ra đời. Chị đã dùng cơ bản 3 chặng, 9 bước hát đối đáp từ ví phường vải Nam Đàn và ví phường vải Trường Lưu làm rường cột rồi thêm ví, giặm vào cho phong phú để biểu diễn được trên sân khấu.

Lúc đầu dư luận, báo chí không đồng tình, nhưng dần dần đã chấp nhận nó và cho đến bây giờ những diễn xướng của NSND An Ninh như: Trai phường chài - gái phường vải; Sông Lam chiều nắng đỏ; Phường nón… hay như Khúc ca đồng ruộng… của tác giả không chuyên NSƯT Cao Xuân Thưởng đã làm phong phú và giàu có thêm cho Dân ca ví, giặm.

Đặc biệt, trong Chương trình: “Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh” tới đây, NSND An Ninh và NSND Hồng Lựu tiếp tục thể nghiệm dân ca nguyên gốc lời cổ, nghề cổ “Làng Nồi” trên nền âm nhạc đương đại, Xẩm trên nền Rap, Hiphop trong Ví, giặm hồn quê tỏa sáng để hướng tới lớp trẻ có thể tiếp cận dễ hơn, không những là lớp trẻ của xứ Nghệ mà còn kỳ vọng trên cả toàn thế giới.

Nghệ sĩ Lê Thanh Phong cũng đang thực hành rất tốt Dân ca Nghệ Tĩnh bằng cách làm mới các làn hát dân ca kết hợp với những ca khúc quen thuộc bằng thể loại Tân cổ giao duyên - Tứ hoa, Ví trên nền nhạc có tiết tấu…

UBND tỉnh Nghệ An đang thực hiện Đề án “Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025”. Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh mở các lớp truyền dạy Dân ca ví, giặm cho các em học sinh có năng khiếu ở các huyện vào dịp Hè.

Sân chơi “Thầy gà, thầy bày - Không gian diễn xướng Dân ca ví, giặm” tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh vào cuối tuần đã thu hút rất đông khán thính giả cũng như các nhân sĩ trên cả nước tham dự.

Bên cạnh đó, hàng năm mở các lớp tập huấn cho các nghệ nhân. Lần đầu tiên trung tâm tổ chức lớp tập huấn sáng tác soạn lời Dân ca Nghệ Tĩnh tháng 10/2024 và mở cuộc thi cho các tác giả viết đã rất thành công. Hy vọng đây sẽ là nguồn lực khai thác trong nhân dân hiệu quả nhất cho Dân ca ví, giặm trong tương lai.

Các Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm trong thành phố Vinh luôn tổ chức hát Dân ca ví, giặm trên phố đi bộ vào dịp cuối tuần. Như vậy, Dân ca ví, giặm đã xuống phố, hòa cùng với thị hiếu thưởng thức văn hóa đường phố của người dân và các khách du lịch về đây.

Anh-tin-bai
CLB Dân ca ví, giặm xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) biểu diễn tại một sự kiện trên phố đi bộ TP. Vinh. Ảnh tư liệu: Minh Quân

Trong thời gian qua, rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, các văn nghệ sĩ vào cuộc làm cho Dân ca ví, giặm trưởng thành để khẳng định không phải chỉ chính người Nghệ mà kể cả những người yêu dân ca đều thấy rằng, chúng ta rất xứng đáng với một di sản phi vật thể mà UNESCO đã ghi danh.

Sự phong phú và đa dạng của các loại hình dân ca nói chung, ví, giặm nói riêng là kết quả tài năng sáng tạo của người dân Việt từ đời này qua đời khác để cho thế giới nhận diện một truyền thống dân gian trên toàn cầu. Sự thăng trầm của chúng phụ thuộc vào nhiều nhân tố mà vai trò của những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa là những viên gạch móng trên con đường phát triển của Dân ca ví, giặm để bay xa.

Từ ngày 22 - 30/11, tại 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc kỷ niệm 10 di sản Dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh.
- Tại tỉnh Nghệ An, có 2 hoạt động chính, gồm: Lễ kỷ niệm 10 năm di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh và Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”.
Bên cạnh đó, còn có các hoạt động đặc sắc như: Liên hoan Nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - những sắc màu di sản”; Trao giải Cuộc thi sáng tác soạn lời Dân ca ví, giặm; Trưng bày nghệ thuật điêu khắc ánh sáng; Triển lãm “Áo dài Việt Nam”; các chương trình giao lưu nghệ thuật.

- Tại tỉnh Hà Tĩnh có các hoạt động gồm: Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” và Cầu truyền hình chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm”; Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh và Hội nghị - Hội thảo quốc gia đánh giá công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

  


CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ DU LỊCH NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm nội dung: Giám đốc sở - Nguyễn Mạnh Cường
Trụ sở: Số 64 - Đường Nguyễn Thị Minh Khai - Thành phố vinh - Nghệ An
Điện thoại: 02383.841.557 - Email: dulichna@nghean.gov.vn