Theo báo Thương trường
Nếu ở mùa cao điểm vào dịp hè Nghệ An luôn là tâm điểm chú ý của du khách, thì sau tháng 8, vào mùa Thu – Đông, biển và những địa chỉ lưu trú thưa thớt khách vào ra, các điểm du lịch cũng không còn cảnh đông đúc như trước.
Đó cũng là câu chuyện chung của nhiều địa phương khu vực phía Bắc, nhưng với Nghệ An, du lịch vốn được xem là ngành kinh tế quan trọng vì có đóng góp lớn vào GRDP của địa phương. Do đó, giải bài toán cho phát triển du lịch mùa thấp điểm được tỉnh này đặc biệt quan tâm. Theo đó, tận dụng lợi thế cũng như các đặc trưng vùng miền, gia tăng khuyến mại, giới thiệu các tour tuyến hấp dẫn cũng như chủ động liên kết, kết nối với các tỉnh trong vùng nhằm tạo thêm “hấp lực” thu hút du khách là những lựa chọn ưu tiên.
Mùa thấp điểm, du lịch Nghệ An có gì?
Có thể nhiều du khách chưa biết, du lịch Nghệ An mùa thấp điểm như Thu - Đông vẫn có nhiều lựa chọn thú vị. Nếu không tắm biển hay khám phá các không gian tâm linh, Nghệ An luôn sẵn có một “kho” sản phẩm du lịch phù hợp.
Trước tiên, phải kể đến loại hình du lịch cộng đồng - loại hình phù hợp với khách quốc tế - đối tượng khách luôn thích trải nghiệm và khám phá văn hóa bản địa, thăm thú cảnh quan của các làng quê. Du lịch Nghệ An những năm trở lại đây nở rộ các mô hình homestay với các dịch vụ gắn với du lịch cộng đồng và du lịch canh nông như bản Khe Rạn, bản Nưa, bản Xiềng, bản Pha huyện Con Cuông; bản Quang Phúc và Quang Thịnh của xã Tam Đình, huyện Tương Dương lưu giữ những nét văn hóa truyền thống cổ xưa từ ngôn ngữ, trang phục, âm nhạc và phong tục, tập quán.
Đặc biệt, dân ca và dân vũ nơi đây là “đặc sản” hấp dẫn du khách. Những làn điệu dân ca luôn ngọt ngào, say đắm lòng người; làng Thái cổ Hoa Tiến, huyện Quỳ Châu - một trong những điểm nhấn không thể bỏ qua là các gian hàng bán sản phẩm truyền thống. Ở đây, du khách sẽ được nghe các các mẹ, các chị giới thiệu văn hóa đặc trưng hoa văn của thổ cẩm thái. Nếu muốn, du khách có thể tự mình trải nghiệm trên khung cửi để dệt vải, xe tơ…
Vừa qua, Sở Du lịch Nghệ An đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm kích cầu du lịch mùa thấp điểm ngay trong năm 2024. Theo đó, các hoạt động như: tổ chức các sự kiện gắn với hoạt động du lịch văn hóa những tháng cuối năm 2024; tổ chức các hoạt động bên lề kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; các sản phẩm ẩm thực tại các điểm tham quan du lịch mùa thu đông với chủ đề “Trải nghiệm ẩm thực Thu - Đông Nghệ An”; du lịch tham quan tìm hiểu văn hóa - lịch sử; du lịch lễ hội - tín ngưỡng tạ lễ cuối năm tại các đền, chùa như: đền Cờn, đền Cuông, đền Nguyễn Xí, đền Quả Sơn, đền thờ Vua Quang Trung, chùa Đại Tuệ, chùa Diệc, chùa Cổ Am, chùa Gám…
Cùng với đó là chương trình “Sắc màu Tây Nghệ”; trải nghiệm sản phẩm du lịch: ngắm hoa mận, hoa đào Kỳ Sơn kết hợp chinh phục đỉnh Puxailaileng, trekking leo thác Khe Kèm - Vườn quốc gia Pù Mát, trekking rừng săng Lẻ; chụp ảnh đường phố với sắc màu hoa mùa Thu - Đông; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm ẩm thực đặc sắc của địa phương. Và hàng loạt các sản phẩm du lịch đặc trưng như trải nghiệm Mường Lống Ecogarden; tham gia sự kiện Vinwonders Cửa Hội mùa thu, chợ đêm, ẩm thực đêm ven sông Lam, ẩm thực đêm Cổng thành Cổ, phố đi bộ thành Vinh…
Đáng chú ý, Nghệ An có hệ thống các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các điểm tham quan, dịch vụ bổ trợ khá phong phú. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng) vào các dịp cuối năm. Nhằm phát huy lợi thế của du lịch MICE, các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh đang tích cực đẩy mạnh liên kết nhằm đưa ra chính sách giá ưu đãi cùng với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút du khách…
Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực Nghệ An đang nỗ lực để hoá giải bài toán cho du lịch mùa thấp điểm. Đồng thời, địa phương này cũng đang tự làm mới mình nhằm tạo nên sự khác biệt, nâng cao chất lượng điểm đến, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu du khách muôn phương.
Chủ động và tăng cường liên kết nhằm thúc đẩy du lịch phát triển
Năm 2024, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu đón tổng lượt khách du lịch có lưu trú đạt 5.500.000 lượt (bằng 104% so với năm 2023), trong đó 120.000 lượt khách quốc tế (bằng 155% so với năm 2023), doanh thu dịch vụ du lịch đạt 9.000 tỷ đồng (bằng 115% so với năm 2023).
Để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024, đại diện Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, cho biết: Nghệ An xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, đáp ứng yêu cầu phục vụ khách; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch gắn với chuyển đổi số; xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn; đẩy mạnh phát triển du lịch MICE - loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, nhất là mùa thấp điểm.
Trong bối cảnh du lịch hiện nay, việc liên kết vùng là cách làm hiệu quả để ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững. Việc hình thành rõ nét các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội của địa phương trong tổng quan phát triển du lịch vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch hướng tới khắc phục hạn chế về tính thời vụ. Đây được xem như chìa khóa then chốt tạo ra sức bật mới cho ngành Du lịch Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Không chỉ vậy, trong thời gian qua, các cơ quan, ban ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế trên cơ sở thế mạnh của tỉnh và tính bổ trợ, kết nối trong sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng; quy hoạch, phát triển một số khu du lịch quốc gia. Đồng thời, chủ động tham mưu đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng du lịch; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án du lịch.
Song song với đó, địa phương còn tập trung thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ, dịch vụ cao cấp để thu hút khách có mức chi tiêu cao, đem lại nguồn thu lớn, tiến tới xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Nghệ An là điểm đến của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới.
Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh Nghệ An cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước; tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định khách du lịch nội tỉnh, nội địa; thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế.
Cùng với việc tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng như mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố của các nước trong khu vực và các nước mà Nghệ An có ký kết hợp tác. Tin rằng, với những bước đi phù hợp, ngành du lịch Nghệ An sẽ đón nhiều tín hiệu tích cực hơn trong thời gian tới.
Minh Đức