Khai thác lợi thế
Nghệ An có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 16.490 km2, dân số hơn 3,2 triệu người bao gồm 6 dân tộc Kinh, Thái, Thổ, Hơ Mông, Khơ Mú, Ơ Đu; có chung đường biên giới với Lào dài 468 km. Địa hình tự nhiên đa dạng gồm cả rừng núi, đồng bằng, biển và hải đảo với nhiều cảnh quan thiên nhiên hũng vĩ nên thơ, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa phong phú của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn các huyện miền núi phía Tây; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp tích cực của các cấp ngành, ngành Du lịch Nghệ An đã triển khai xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng tại một số bản ở các huyện miền Tây như: Bản Nưa, Bản Khe Rạn, Bản Xiềng (huyện Con Cuông), Bản Quang Phúc (huyện Tương Dương), Bản Yên Hoà (huyện Kỳ Sơn), Bản Cọ Muồng (huyện Quế Phong), Bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu),...
Bước đầu, các mô hình này đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên; tạo ra sinh kế mới góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân và dần xóa bỏ phong tục du canh, du cư. Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.
|
Du khách trải nghiệm các hoạt động văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số |
Miền Tây Nghệ An là vùng có địa hình đa dạng, núi non hùng vĩ, sông suối mật độ dày với nhiều thác ghềnh; có nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau tạo nên sự đa dạng về cảnh vật thiên nhiên; có “nóc nhà Nghệ An” là đỉnh Pu xai lai leng (2.720 m) ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) là điểm săn mây kỳ thú; có nhiều thác đẹp, hấp dẫn như: Thác Khe Kèm (Con Cuông), thác Bảy tầng, thác Sao (Quế Phong), thác Rồng (Kỳ Sơn)…; có nhiều hang động đẹp nổi tiếng, gắn liền với những huyền tích của người dân địa phương tạo nên sự thu hút, huyền bí như: Hang Bua, hang Thẳm Chạng (Quỳ Châu), hang Thẳm Mẹ Mọn (Quế Phong), hang Dơi, hang Thẳm Tàu (Tương Dương), hang Thẳm Nàng Màn, hang Thẩm Tông (Con Cuông)…
Ngoài ra, vùng cao miền Tây Nghệ An còn có nhiều sông suối, hồ đẹp như: Sông Giăng với đập Phà Lài, khe Nước Mọc (Con Cuông), Nậm Việc, hồ Hủa Na (Quế Phong), Nậm Càn, Nậm Típ (Kỳ Sơn), Khe Thơi, Hồ Khe Bố, Hồ Bản Vẽ (Tương Dương)… không chỉ tham quan mà nhiều điểm còn có thể bơi thuyền rất lý tưởng.
Bên cạnh những tiềm năng do thiên nhiên ban tặng, miền Tây Nghệ An còn có thể khai thác phát triển du lịch từ các yếu tố văn hóa, đó là tìm hiểu và thưởng thức văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú… với các điệu dân ca, dân vũ; có thể trải nghiệm các hoạt động đời sống, sản xuất cùng bà con ở các bản làng cổ nguyên sơ … Đặc biệt là các lễ hội mang đậm sắc thái miền Tây như: lễ hội Đền Chín Gian, lễ hội Hang Bua, lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu, lễ hội Đền Cửa Rào, lễ hội chọi Bò Kỳ Sơn,…
Các đặc sản vùng núi cũng rất phong phú, đa dạng như: Trà Hoa vàng, cam Con Cuông, xoài Tương Dương, mận Tam hoa Mường Lống, chanh leo Quế Phong, gà đen, lợn đen, bò Mông, thịt bò giàng, lạp xường, măng rừng, khoai sọ, các loại dược liệu, các bài thuốc quý, các sản phẩm thổ cẩm,… Đồng thời, du khách có thể cùng trải nghiệm chế biến và thưởng thức ẩm thực của bà con các dân tộc thiểu số như: bánh sừng trâu, xôi ngũ sắc, gà nướng, cơm lam, cá nướng, thịt bò giàng, thịt chua,… của người Thái, bánh nếp, gà đen của người Mông…
Rất nhiều du khách đã lựa chọn miền Tây Nghệ An là điểm đến ưa thích để khám phá thiên nhiên, đi bộ, chèo thuyền kết hợp trải nghiệm văn hoá bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số và homestay…Tại đây, du khách không chỉ được tham quan, thưởng lãm cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được quan sát, trải nghiệm văn hóa bản địa thông qua các yếu tố phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, âm nhạc, ngôn ngữ... Các giá trị vật chất và tinh thần được gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đem đến bức tranh văn hóa đa dạng, muôn màu. Chính sự phong phú, đa dạng đó đã tạo nên nét đặc thù, bản sắc riêng của sản phẩm du lịch miền Tây.
|
Khách du lịch đi thuyền trên sông Giăng tham quan Vườn Quốc gia Pù Mát. |
Tính đến năm 2024, đã có 26 bản làng với 58 hộ phục vụ dịch vụ Homestay. Chất lượng cơ sở lưu trú du lịch và nhà hàng từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch đi theo tour cũng như khách công vụ, khách về tham dự các sự kiện, lễ hội diễn ra trên địa bàn. Một số bản được công nhận sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng như: bản Nưa (xã Yên Khê), Bản Xiềng (xã Môn Sơn), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) huyện Con Cuông; bản Hoa Tiến huyện Quỳ Châu…Lượng khách du lịch đến các điểm du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An đạt gần 900.000 lượt (chiếm gần 11% lượng khách du lịch toàn tỉnh), doanh thu dịch vụ du lịch đạt 500 tỷ đồng.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An chia sẻ, việc triển khai du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An có nhiều tiềm năng, thuận lợi, song cũng có những khó khăn, hạn chế. Thời gian qua, mô hình du lịch này đã cho thấy hiệu quả và những chuyển biến tích cực, góp phần bảo tồn, quảng bá bản sắc văn hoá, tạo thêm sinh kế cho người dân.
Để đẩy mạnh hơn nữa du lịch cộng động khu vực miền Tây, ngành Du lịch Nghệ An tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2035, gắn với Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo bước phát triển mới cho du lịch cộng đồng, gắn với lồng ghép có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn.
Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm "Mỗi người dân là một đại sứ du lịch" gắn với phát triển bền vững du lịch cộng đồng. Khuyến khích cộng đồng địa phương xây dựng những quy định về việc bảo vệ môi trường văn hóa tại cộng đồng gắn với hoạt động phát triển du lịch, nâng cao ý thức bảo tồn những di sản văn hóa của địa phương.
Tăng cường nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cho hoạt động du lịch cộng đồng. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước; lồng ghép các nguồn vốn các chương trình, dự án đầu tư; vận động sự đóng góp của các cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông, nâng cấp các công trình di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hoá, thể dục thể thao; các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể.
Thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng cao (cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, khu vui chơi giải trí, cơ sở sản xuất, giới thiệu các đặc sản của địa phương…), khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng…nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên địa bàn để thu hút du khách.
Cùng với đó, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá cho du khách trong và ngoài nước về những vẻ đẹp độc đáo của du lịch cộng đồng thông qua các mạng xã hội, kênh truyền thông, báo chí trong và ngoài tỉnh, các ấn phẩm quảng bá du lịch và quà tặng du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch cộng đồng. Tích cực đánh giá về tiềm năng, lợi thế về du lịch cộng đồng ở mỗi địa phương để tìm ra sản phẩm đặc trưng riêng. Tăng cường liên kết các chủ thể tham gia vào chuỗi du lịch, đặc biệt là các công ty lữ hành nhằm xây dựng mạng lưới kết nối về du lịch cộng đồng.
Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về du lịch cộng đồng. Thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn cho người dân nhằm bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp với khách trong nước và quốc tế; kỹ thuật chế biến và trình bày món ăn; tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm chất vùng miền; năng lực sử dụng ngoại ngữ… Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, nguồn nhân lực trẻ, con em đồng bào dân tộc thiểu số.