Nghệ An phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Theo báo Phụ nữ Việt Nam
Thổ cẩm bản Hoa Tiến (Quỳ Châu, Nghệ An) là mặt hàng được khách du lịch ưu chuộng
Dự án 6 có tác động tích cực đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Các hoạt động của Dự án 6 nhận được sự quan tâm tích cực của chính quyền địa phương và sự hưởng ứng của người dân trên địa bàn.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi chiếm 83% diện tích của tỉnh Nghệ An, là nơi cư ngụ của hơn 1,2 triệu người, với 5 DTTS, đông đúc là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai. Với đặc điểm địa lý, dân tộc đó, nhu cầu về phát triển cơ sở vật chất văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh là rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về thiết chế văn hóa, thể thao sau sáp nhập thôn, bản.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An), vùng DTTS Nghệ An là một vùng văn hóa đa dạng và phong phú. Người dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng miền núi phía Tây. Xét theo cấp xã và huyện thì các DTTS ở Nghệ An sống xen kẽ với nhau theo thế cài răng lược. Xét theo cấp độ bản thì những bản chỉ có một tộc người sinh sống là chủ yếu, cũng có một số bản có nhiều tộc người sinh sống. Hơn nửa thế kỷ qua, người Kinh di cư lên miền núi nhiều, nhưng chủ yếu sống ở vùng trung tâm huyện thị. Gần đây, có nhiều người Kinh vào các làng bản sinh sống xen kẽ với đồng bào nhưng số lượng này không nhiều.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết, Sở đang tích cực tham mưu triển khai Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Quyết định số 1719/QĐ-TTg). Đây là Dự án lớn với rất nhiều nội dung nhiệm vụ thành phần về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cho đồng bào các DTTS miền Tây Nghệ An.
Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Du lịch, các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS; chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tính đến hết tháng 10/2024, từ nguồn vốn đầu tư phát triển Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện 2 dự án, gồm: Dự án Tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Nhà cụ Vi Văn Khang tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia) và Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Cả 2 dự án hiện trong quá trình thi công, dự kiến hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông Lương Viết Tùng cho hay: "Hạng mục tu bổ, tôn tạo di tích Nhà cụ Vi Văn Khang ở xã Môn Sơn là một điểm nhấn quan trọng của việc thực hiện Dự án 6, cũng như hoạt động bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa ở địa phương. Chúng tôi kỳ vọng khi dự án hoàn thành, sẽ góp phần lưu giữ tốt hơn các giá trị văn hóa của người Thái, cũng kỳ vọng sẽ là điểm đến trên hành trình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Con Cuông".
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An - Trần Thị Mỹ Hạnh nói rằng: Dự án 6 đã và đang có những tác động tích cực đến đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS và miền núi. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao; hỗ trợ các hoạt động văn hóa, thể thao; xây dựng tủ sách phục vụ người dân... đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Đáng quan tâm, các hoạt động của Dự án 6 đang nhận được sự quan tâm tích cực của chính quyền địa phương và sự hưởng ứng của cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh.
Từ thành công và hiệu quả bước đầu của Dự án 6, giai đoạn II của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã mạnh dạn đề xuất: Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể.
Cụ thể, mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND huyện Quỳ Hợp tổ chức tổng kết tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể thuộc Dự án 6, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.
Hơn 60 học viên là công chức văn hóa xã, già làng, trưởng bản, nghệ nhân và những người am hiểu giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện đã được giảng viên truyền đạt một số chuyên đề Dự án 6: Bảo tồn, phát huy, giới thiệu văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng DTTS Nghệ An trong bối cảnh công nghệ số; Giới thiệu nguồn gốc, giá trị của các loại hình văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; Truyền dạy thực hành múa hát các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ các DTTS thông qua các tác phẩm âm nhạc viết về miền Tây xứ Nghệ và quê hương Quỳ Hợp…
Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao cũng hỗ trợ xây dựng 5 mô hình văn hóa truyền thống các DTTS; hỗ trợ duy trì 55 CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi và vùng di dân tái định cư; hỗ trợ hoạt động cho 55 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ xây dựng 50 tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ chống xuống cấp 495 nhà văn hóa hoặc khu thể thao cấp thôn, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 41 thôn, bản chưa có thiết chế văn hóa, thể thao. Bên cạnh đó, 418 nhà văn hóa thôn, bản đã xây dựng nhưng xuống cấp hoặc không đảm bảo quy mô, tiêu chuẩn. Việc huy động nguồn lực còn hạn chế, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi chủ yếu phụ thuộc ngân sách; trong khi các huyện miền núi gặp khó khăn trong đối ứng vốn.
Để việc thực hiện Dự án 6 đạt mục tiêu cao nhất, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Nghệ An cũng đã đề xuất: Đối với nhiệm vụ khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống cho mỗi dân tộc có khó khăn đặc thù, thì cần điều chuyển từ nội dung sử dụng vốn sự nghiệp sang nội dung sử dụng vốn đầu tư do nhiệm vụ có nguồn vốn lớn, thời gian triển khai kéo dài.
Còn với nhiệm vụ Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, cần tăng định mức số điểm trên mỗi nhà văn hóa do định mức hiện tại quá thấp, không đảm bảo kinh phí cho việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.