Tài nguyên du lịch phong phú
Nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, khu du lịch Mường Lống (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) là một thung lũng, có nhiều dãy núi cao bao quanh. Đây là điểm dừng chân lý tưởng của du khách có niềm đam mê khám phá thiên nhiên, vẻ đẹp của mây trời và trải nghiệm văn hóa của người dân bản địa.
Đứng trên cổng trời phóng tầm mắt ra xa là những mảng mây lớn trôi bồng bềnh, trải dài lưng chừng núi, anh Lê Hồng Minh – du khách đến từ Hà Nội, tâm sự: “Đến với Mường Lống chúng tôi được trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng, được ở trong những ngôi nhà có cấu trúc đặc trưng. Bên bếp lửa hồng được xem những điệu múa truyền thống của các thiếu nữ người dân tộc địa phương”.
Với độ cao 2.700m so với mực nước biển, Pu Xai Lai Leng ở xã Na Ngoi huyện Kỳ Sơn là đỉnh núi cao nhất Nghệ An và cao nhất dãy Bắc Trường Sơn - ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào. Đường lên núi đi giữa những cánh rừng già samu, pơmu nguyên sinh hàng trăm năm tuổi.
Với người dân bản địa, Pu Xai Lai Leng là ngọn núi thiêng và huyền ảo với nhiều những truyền thuyết thú vị và kỳ bí. Nơi đây từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những người thích du lịch mạo hiểm, khám phá.
Nằm ở vị trí cuối tuyến quốc lộ 7 và có đường biên giới dài hơn 203 km với Lào, địa hình Kỳ Sơn chủ yếu là núi non hiểm trở và hệ thống sông, suối khá dày đặc. Chính sự đa dạng về địa lý và sinh học đó đã tạo cho Kỳ Sơn nhiều danh lam thắng cảnh nên thơ và hùng vĩ. Một số dịa danh nổi tiếng đã trở nên gần gũi và quen thuộc với nhiều du khách thập phương.
Với tiềm năng phong phú, vài năm trở lại đây, du lịch Kỳ Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng các tuyến du lịch Mường Xén - Mường Lống - Mỹ Lý và kết nối đến các điểm: vườn mận tam hoa, vườn đào, dâu tây, vườn sâm 7 lá 1 hoa, cổng trời Mường Lống, hang Tù, hang Dơi, hang Thẳm Đạn, tháp cổ Xốp Lợi, du thuyền mạo hiểm trên sông Nậm Nơn. Hiện địa phương triển khai xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái canh nông kết hợp du lịch cộng đồng.
Tìm hướng phát triển du lịch vùng biên giới
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng du lịch Kỳ Sơn vẫn còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Lượng khách đến với Kỳ Sơn chưa nhiều, doanh thu từ dịch vụ du lịch còn thấp, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn để phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Từ thực tế trên, huyện Kỳ Sơn đã trăn trở tìm hướng đi cho ngành du lịch địa phương.
Đề án “Xây dựng và phát triển du lịch huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2021 – 2025 tầm nhìn 2030” ngày 12.5.2021 của Huyện ủy Kỳ Sơn nêu rõ: “Xây dựng du lịch Kỳ Sơn trở thành ngành kinh tế tương xứng với tiềm năng, lợi thế, có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại”.
Đề án nhấn mạnh cần xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, khác biệt, thân thiện với môi trường, có thương hiệu, có sức cạnh tranh. Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm có chất lượng cao mang đậm bản sắc về vùng đất, con người Kỳ Sơn.
Để đạt được mục tiêu này, huyện đã tổ chức 3 lớp tập huấn và đi thực tế cho cán bộ văn hóa cơ sở, ban quản lý bản, các hộ làm du lịch cộng đồng. Quy hoạch xong các điểm du lịch: Yên Hòa xã Mỹ Lý, Mường Lống 1 xã Mường Lống và Pu Xai Lai Leng xã Na Ngoi.
Thông qua việc thực hiện đề án đã làm thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển du lịch của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân và tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Hiện nay toàn huyện có 60 lao động đang làm việc tại 5 cơ sở lưu trú, 25 lao động trong các Hhomestay.
Bà Cụt Thị Hương – Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kỳ Sơn, cho biết thời gian gia huyện đã tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Kỳ Sơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Đồng thời, phối hợp với chuyên gia FNF, famtrip, hội thảo đánh giá tiềm năng của du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, canh nông và cơ cấu lại ngành du lịch của huyện; xã hội hóa việc đầu tư kết cấu hạ tầng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch.
Ông Vi Hòe – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, cho biết: “Huyện đang triển khai quy hoạch và quản lý sau quy hoạch, đầu tư cơ sở vất chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Kỳ Sơn; đồng thời xây dựng Pu Xai Lai Leng theo mô hình du lịch mạo hiểm, Mường Lống – Mỹ Lý theo mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng để trở thành khu du lịch quốc gia”.