Nghệ An là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích lớn nhất cả nước với 16.490 km2, dân số hơn 3,1 triệu người bao gồm 6 dân tộc Kinh, Thái, Thổ, Hơ Mông, Khơ Mú, Ơ Đu; có chung đường biên giới với Lào dài 419km. Cơ cấu hành chính gồm thành phố Vinh, 03 thị xã (Cửa Lò, Hoàng Mai, Thái Hoà) và 17 huyện. Nghệ An có địa hình tự nhiên đa dạng gồm cả rừng núi, đồng bằng, biển và hải đảo với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nên thơ, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Nghệ An là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích lớn nhất cả nước với 16.490 km2, dân số hơn 3,1 triệu người bao gồm 6 dân tộc Kinh, Thái, Thổ, Hơ Mông, Khơ Mú, Ơ Đu; có chung đường biên giới với Lào dài 419km. Cơ cấu hành chính gồm thành phố Vinh, 03 thị xã (Cửa Lò, Hoàng Mai, Thái Hoà) và 17 huyện. Nghệ An có địa hình tự nhiên đa dạng gồm cả rừng núi, đồng bằng, biển và hải đảo với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nên thơ, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên của Nghệ An khá đa dạng, trong đó nổi bật là hệ thống rừng nguyên sinh ở khu vực phía Tây Nghệ An, hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới lớn nhất Đông Nam Á (hơn 1300km2 mà vùng lõi là Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt) đã được được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2007.
Bên cạnh đó, Nghệ An còn có hệ thống hang động tương đối phong phú, độc đáo, trong đó có một số hang động đã phát hiện được các di tích khảo cổ về cuộc sống của người Việt cổ cách đây hàng chục vạn năm như: hang Thẩm Ồm, hang Cỏ Ngùn (Quỳ Châu), hang Poòng (Quỳ Hợp),... Đặc biệt có Hang Bua ở huyện Quỳ Châu, đã từng đón Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương trong chuyến kinh lý Nghệ An, để cùng tham dự một lễ hội với những sắc màu văn hoá mang đậm yếu tố tâm linh và huyền thoại về vùng đất, con người miền Tây hào phóng mến khách.
Bờ biển Nghệ An dài trên 82 km, phẳng, cát trắng mịn, nước trong, có độ mặn vừa phải, môi trường trong lành, số lượng giờ nắng nhiều, thích hợp cho sự phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, chữa bệnh với nhiều bãi tắm đẹp như Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Diễn Thành…
Toàn cảnh khu nhà quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (Nam Đàn) Ảnh TL.
Ngoài ra, Nghệ An còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng. Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa ở Nghệ An phong phú về số lượng và thể loại... nổi bật là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt Kim Liên - Nam Đàn, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Ngoài ra, Nghệ An còn có nhiều di tích để phát triển loại hình du lịch tâm linh như ba ngôi Đền nằm trong tứ linh Tự nổi tiếng của Xứ Nghệ “Nhất Cờn, Nhì Quả, Tam Bạch Mã, Tứ Chiêu Trưng” trong đó có Đền Cờn - thờ Tứ vị Thánh Nương nổi tiếng thiêng từng được 2 Vị Vua của 2 triều đại Trần - Lê ghé chân trên đường đi Nam chinh đánh giặc và ban tặng sắc phong hay Đền thờ và Mộ Đức Thánh Hoàng Mười, Đền Cuông... Ngoài ra còn có Đền Quang Trung, Đền thờ và Miếu Mộ Vua Mai Hắc Đế, chùa Đại Tuệ...
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết - Ảnh TL
Bờ biển Nghệ An dài trên 82 km, phẳng, cát trắng mịn, nước trong, có độ mặn vừa phải, môi trường trong lành, số lượng giờ nắng nhiều, thích hợp cho sự phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, chữa bệnh với nhiều bãi tắm đẹp như Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Diễn Thành…
Bãi biển Cửa Lò - Ảnh TL.
Cũng như các tỉnh khác của Việt Nam, Nghệ An có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều mang một bản sắc văn hóa, ngôn ngữ riêng. Vì vậy, Nghệ An có nền văn hóa dân gian phong phú đặc sắc với âm nhạc dân gian, các phong tục, các tập quán, lễ hội, văn hóa ẩm thực… Đặc biệt, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hát Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trên sông Lam - Ảnh TL.
Múa Sạp của đồng bào Thái ở Miền Tây Nghệ An - Ảnh TL.
Đó chính là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là bản sắc riêng, có khả năng tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn mà tỉnh đang tập trung khai thác.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An đã và đang đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng và các sản phẩm du lịch mới, hoàn thiện hơn đáp ứng tốt nhu cầu du lịch của du khách trong và ngoài tỉnh. Hệ thống cơ sở lưu trú, các cơ sở nhà hàng, dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh được phát triển đa dạng, mạnh mẽ, đủ khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cho khách du lịch khi đến tham quan. Đến nay, tỉnh Nghệ An có 827 khách sạn, nhà nghỉ với 19.709 buồng, 34.192 giường, trong đó có 03 khách sạn 5 sao, 10 khách sạn 4 sao và tương đương, 14 khách sạn 3 sao và tương đương và trên 40 khách sạn 1-2 sao; có 50 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 20 trung tâm lữ hành quốc tế.
Hệ thống nhà hàng và cơ sở ăn uống cũng rất đa dạng. Trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 700 nhà hàng có từ 50 chỗ ngồi trở lên và có khoảng trên 500 kiôt kinh doanh ăn uống dọc bãi biển, đủ khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cho khách du lịch khi đến Nghệ An, nhất là các món ăn độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Xứ Nghệ như Cam Vinh, Nhút Thanh Chương, Tương Nam Đàn, Me Nam Nghĩa, Dê Cầu Đòn hay đặc sản ẩm thực Cháo Lươn được công nhận kỷ lục Châu Á.
Cháo Lươn Vinh là món ngon nổi tiếng vừa ngon, vừa bổ được nhiều người ưa thích - Ảnh TL.
Nhờ đa dạng hóa các dịch vụ du lịch, nên trong những năm qua du lịch Nghệ An đã có tốc độ tăng trưởng khá, lượng khách và doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Hoạt động du lịch đã mang lại cơ hội xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân ở thành thị và nông thôn.
Tính đến hết năm 2017, tổng lượt khách tham quan, du lịch toàn tỉnh đạt 5,96 triệu, trong đó có trên 3,85 triệu lượt khách có lưu trú, bằng 135% so với năm 2016 và đạt 106,9% KH năm; có 109.100 lượt khách quốc tế, bằng 142% so với năm 2016. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 6.086 tỷ đồng, trong đó, doanh thu khách quốc tế đạt gần 13,4 triệu USD, bằng 143% so với năm 2016, doanh thu các dịch vụ du lịch ước đạt 3.092 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2016 và đạt 120,8% KH năm.
Thác Kèm ở Con Cuông
Với tiềm năng và lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, tỉnh Nghệ An đang trở thành cầu nối giữa các vùng du lịch trong cả nước như: Liên kết các tỉnh Bắc miền Trung, các tỉnh trong khu vực Bắc – Nam trung Bộ, liên kết với thị trường Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Liên kết với Tp. Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nguyên...Nghệ An đang là điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại và cũng là điểm khởi đầu của tuyến du lịch hành lang Đông Tây (theo quốc lộ số 8), các chương trình kết nối các di sản như “Hành trình qua các miền Kinh đô Cổ”, khám phá hệ thống hang động ở miền Trung (Động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới ở Quảng Bình)... Nghệ An còn là điểm trung chuyển du lịch với các nước láng giềng Lào, Thái Lan.
Với những điều kiện thuận lợi trên, Nghệ An có đầy đủ thế và lực để phát triển Du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và đưa Nghệ An thành trung tâm du lịch vùng Bắc Trung Bộ như đã nêu tại Nghị quyết 12-NQ.TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2002-2010 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020 của UBND tỉnh.
Đình Hà – Sở Du lịch