image banner
THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
  
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Mê đắm du lịch mùa Đông ở rẻo cao Kỳ Sơn

Với địa hình và cảnh sắc đặc trưng của vùng rẻo cao, Kỳ Sơn được mệnh danh là “Sa Pa của xứ Nghệ”. Bước vào những tháng cuối Thu, đầu Đông, bất cứ ai đến với vùng núi non hùng vĩ này cũng đều mê đắm. Mê bởi cảnh đẹp, trong xanh, mát lành cùng với sự đặc sắc trong phong tục tập quán, ẩm thực nơi đây.

Thoả thích "săn mây"

Anh-tin-bai
Thiên đường hoa mận ở Kỳ Sơn vào mùa Xuân. Ảnh: Sách Nguyễn

Nghe tiếng điện thoại báo có tin nhắn, tôi mở ra xem. Một loạt những bức ảnh đẹp mê mẩn của cô bạn vừa gửi qua. Tôi xuýt xoa ngắm từng tấm hình bạn chụp cùng với núi rừng nơi rẻo cao Kỳ Sơn. Cô bạn nhỏ nhắn rạng rỡ giữa vô vàn mây trời, núi non và hoa đỗ quyên đỏ rực khắp dãy Puxailaileng, nơi có độ cao trên 2.700m so với mực nước biển.

Anh-tin-bai
Cảnh đẹp ở Na ngoi (Kỳ Sơn) được du khách ghi lại trong chuyến du lịch đầu tháng 11/2024. Ảnh: PV

Bạn hồ hởi “khoe”: Lần thứ hai đến với Na Ngoi của Kỳ Sơn, lần nào cũng có những trải nghiệm không thể quên và còn muốn quay lại. Lần này, đến vào đúng trời trở lạnh, gió se se mát lành, trời trong vắt xanh biếc cùng với nắng vàng nhè nhẹ. Dọc đường đi, lau trắng bạt ngàn trên các sườn núi lấp lánh ánh bạc trong nắng. Xen giữa lưng chừng tầng tầng trùng điệp các dãy núi nối nhau là tầng tầng mây trắng muốt tinh khôi, mang lại cảm giác đang đứng giữa biển mây, đứng trên đỉnh trời.

Muôn lời cũng khó diễn tả, chỉ có thể trực tiếp trải nghiệm mới cảm nhận được sự hùng vĩ, vẻ đẹp khiến người ta mê đắm của nét trong trẻo, linh thiêng của mây ngàn gió núi. Đứng trước thiên nhiên hùng vỹ ấy, thời gian như dừng lại, con người ta cũng lắng lòng mình, dịu nhẹ và quên hết mọi ưu tư, xô bồ của cuộc sống.

Anh-tin-bai
Ruộng bậc thang ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Hồ Nhật Thanh

Cũng đã từng đặt chân tới Na Ngoi nhiều lần, song tôi cũng như cô bạn, mỗi khi đến với núi rừng của dãy Puxailaileng lại thêm một cảm nhận mới. Nơi đây cách Quốc lộ 7 hơn 20km, đường đi trải nhựa thuận tiện. Dọc đường, đi qua những khúc uốn lượn, du khách có thể ngắm những bản làng mờ sương, những mái nhà sa mu có làn khói ấm áp bay bay hoà lẫn cùng sương sớm lành lạnh; ngắm những đỉnh núi ẩn hiện trong cuồn cuộn mây trắng muốt; ngắm màu xanh tươi mới của rừng và ruộng bậc thang đặc trưng chỉ có ở rẻo cao.

Vào với Na Ngoi, ngoài chìm đắm với mây trời non nước, du khách còn được thưởng thức những món ẩm thực và trải nghiệm cuộc sống văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. Nay đã có tour du lịch trải nghiệm “Săn mây trên đỉnh Puxailaileng” với sự đồng hành của người dân bản địa, của chuyên gia và lực lượng bảo vệ an toàn, để du khách có được chuyến đi trở về với thiên nhiên, với sự thanh khiết, trong lành chỉ có ở chốn núi non mây trời cao vời vợi này.

Anh-tin-bai
Tour trải nghiệm du lịch Na Ngoi: Từ cột mốc 422, tiếp tục băng qua một chặng đường ngắn nữa là đặt chân lên đỉnh Puxailaileng. Đặt chân đến đây, ai nấy đều cảm thấy phấn khích và tự hào, vui sướng khi được chinh phục đỉnh cao 2.720m, là "nóc nhà" của dãy Trường Sơn Bắc. Ảnh: PV -CTV

Điểm du lịch tại xã Na Ngoi, tham quan trải nghiệm đỉnh núi Puxailaileng, đỉnh núi cao nhất vùng Bắc Trung Bộ, là điểm thu hút khách du lịch ưa thích khám phá và thích mạo hiểm với nhiều cảnh quan tuyệt đẹp: săn mây, ngắm hoa đỗ quyên hoà lẫn với thảm thực vật phong phú, các loài cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi... Cảnh sắc riêng có ấy tạo cho Na Ngoi một vẻ vừa huyền bí, vừa cuốn hút, thỏa mãn trí tò mò của du khách về cảnh đẹp của thiên nhiên ban tặng.

Du lịch mùa Đông Kỳ Sơn còn có rất nhiều những trải nghiệm gắn với các tour, tuyến như: tuyến du lịch Mường Xén - Mường Lống - Mỹ Lý. Trong đó có nhiều điểm đến như: vườn mận Tam Hoa, vườn đào, vườn dâu tây, vườn sâm 7 lá 1 hoa...; Cổng trời Mường Lống, hang Tù, hang Dơi... tại xã Mường Lống; hang Thằm Đạn, tháp cổ Xốp Lợt ở bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý; rừng pơ mu xã Tây Sơn, xã Huồi Tụ; Dịch vụ tham quan bằng thuyền với những cảm giác mạo hiểm trên sông Nậm Nơn…

Làm du lịch bền vững

Anh-tin-bai
Du khách tham quan và check-in tại điểm du lịch Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Sách Nguyễn

Xác định du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện Kỳ Sơn đã có đề án định hướng, thực hiện phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó, có đề án Xây dựng tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với du lịch tâm linh giai đoạn 2020 – 2025. Đã có rất nhiều nội dung, nhiều sự phối hợp giữa các cấp, ngành cùng với địa phương nhằm từng bước đưa du lịch Kỳ Sơn phát triển, đặc biệt là du lịch mùa Đông. Cùng với sự hỗ trợ của chính sách, các cá nhân, tổ chức hoạt động, kinh doanh dịch vụ du lịch ở Kỳ Sơn cũng ngày càng năng động, mạnh dạn đầu tư, tạo ra nhiều nét mới cho điểm đến này.

 

Dịch vụ lưu trú là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành du lịch địa phương khởi sắc, cũng là điều kiện để thu hút, níu chân du khách đến, trải nghiệm và quay lại nhiều lần khác. Vì vậy, ngày càng nhiều điểm cung cấp các dịch vụ du lịch, lưu trú chuyên nghiệp, đậm màu sắc của vùng rẻo cao quanh năm mây phủ xuất hiện ở Kỳ Sơn.

Anh-tin-bai
Nếu muốn trải nghiệm cuộc sống của bản làng và núi rừng biên cương, mời bạn lên với Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: PV

Trên tuyến trải nghiệm từ thị trấn Mường Xén vào “thiên đường của sương và hoa Mường Lống”, du khách có thể tham quan rừng pơmu hơn 5.000 cây, check - in cùng những đồi chè Shan tuyết xanh mướt và những cung đường bạt ngàn hoa lau trắng. Sau khi ghé quán cà phê nơi lưng chừng núi tại bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ sẽ đi qua chợ ngã ba Xốp Tụ để đến Mường Lống.

Thăm chợ nhỏ bên đường này du khách sẽ được thưởng thức món bánh nếp cẩm thơm, dẻo, bùi làm từ nếp nương của đồng bào tự tay trồng; mua những sản vật thiên nhiên từ núi rừng, từ bàn tay chăm chỉ lao động của đồng bào: khoai sọ, rau cải mẹo, gừng, mắc khén, các loại rau, măng rừng, thổ cẩm, đồ dùng mây tre đan…

Anh-tin-bai
Cảnh đẹp vườn hồng, vườn mận Mường Lống, Kỳ Sơn. Ảnh: Sách Nguyễn

Sau khi chụp cùng nhau những bức ảnh nơi Cổng trời Mường Lống, du khách có thể lựa chọn địa điểm nghỉ ngơi ở 3 homestay hoặc khu du lịch Mường Lống Eco khá hiện đại.

Tại các homestay ở Mường Lống, người phương xa đến đây sẽ được phục vụ các món ăn đặc trưng do chính tay đồng bào nuôi trồng và chế biến: thịt lợn đen gác bếp, nướng than hoa mắc khén; gà đen nấu lá thuốc, xôi nếp nương, cá nướng, gà đen nướng mắc khén kèm dưa chuột núi tươi rói, rau cải mẹo ngọt mát… Bên bếp lửa ấm cúng thưởng thức thịt lợn, gà được ướp và nướng thơm lừng, thêm chén rượu cẩm nồng nồng, cái lạnh của núi rừng bỗng trở nên dịu ngọt. Ở Mường Lống, một ngày chưa thể trải nghiệm hết cảnh sắc nơi đây.

Anh-tin-bai
Trải nghiệm làm bánh Mông, một đặc sản của đồng bào người Mông huyện Kỳ Sơn tại chợ biên Nậm Cắn. Ảnh: Đào Thọ

Ngoài Mường Lống có thêm các điểm lưu trú, thì nay tại chợ biên Nậm Cắn cũng đã có homestay phục vụ người dân nơi xa, du khách trải nghiệm chợ biên giới, thưởng thức sản vật của nhân dân hai nước Việt – Lào diễn ra vào Chủ nhật hàng tuần. Từ Mường Xén đi các địa phương có điểm du lịch cũng đã có nhiều homestay, điểm lưu trú phục vụ như: các nhà nghỉ Phanh Dần, Hải Vân, homestay Tảo Non Dám ở thị trấn Mường Xén, nhà nghỉ Ngọc Trâm ở xã Chiêu Lưu; nông trang Pu Nghiêng ở xã Tà Cạ…

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn khẳng định, qua thời gian triển khai thực hiện định hướng phát triển du lịch, từ ngành du lịch sơ khai trên địa bàn huyện đã dần dần hình thành các sản phẩm du lịch, lượng khách tham quan ngày một tăng lên cho thấy phát triển ngành du lịch có sự chuyển biến rõ nét, cơ sở vật chất phục vụ du lịch được chú trọng từng bước được đầu tư, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư được tăng cường.

Anh-tin-bai
Du khách thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc của đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn. Ảnh: Hoài Thu

Hiện nay, cùng với những quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành từ Trung ương đến tỉnh trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện gắn với Nghị quyết số 39/NQ-TW về phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó có định hướng phát triển miền Tây Nghệ An, Kỳ Sơn đang nỗ lực thực hiện các chương trình, dự án đúng với hướng đi bền vững, giúp khai thác các tiềm năng, thế mạnh, trong đó có phát triển du lịch dịch vụ theo hướng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn bảo vệ môi trường bền vững.


CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ DU LỊCH NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm nội dung: Giám đốc sở - Nguyễn Mạnh Cường
Trụ sở: Số 64 - Đường Nguyễn Thị Minh Khai - Thành phố vinh - Nghệ An
Điện thoại: 02383.841.557 - Email: dulichna@nghean.gov.vn