Trưng bày “Nà pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái Nghệ An” sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 18.10.2024 đến 17.1.2025 tại tòa nhà Trống đồng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội).
Trưng bày sẽ giới thiệu một phần bộ sưu tập đồ vải gồm 190 tấm mặt chăn (nà pha), trong đó có 101 hiện vật (nà pha) đã được giám định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại Quyết định số 1195/QĐSVHTT ngày 14.10.2024.
TS. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học, cho biết: “Chúng tôi mong muốn giới thiệu đến du khách bộ sưu tập đồ dệt, thêu thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của người Thái. Đây cũng là bộ sưu tập được chuyên gia di sản, chuyên gia dân tộc học đánh giá là di sản quý hiếm mang giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc.
Việc hợp tác công tư về văn hóa này cũng là một chủ trương mà UNESCO luôn đề cao, khuyến khích. Thông qua đó, chúng tôi muốn làm sâu sắc thêm tình yêu đối với văn hóa, nghệ thuật và nhận thức để bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản văn hóa của người Thái nói riêng và các tộc người của Việt Nam và trên thế giới”.
Trong trưng bày lần này, các tấm nà pha được trang trí nhiều hoa văn động vật trên cạn và dưới nước. Ngoài được thêu trên mặt chăn, loại hoa văn này cũng xuất hiện khá phổ biến trên chân váy của người Thái.
Bà Vũ Thị Liên - Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủ công Trúc Lâm cho hay: “Bắt đầu từ những năm 1990, chúng tôi đã dành nhiều công sức để sưu tầm, bảo quản và gìn giữ bộ sưu tập này. Trong mỗi tấm mặt chăn, mỗi hoa văn, là cả một câu chuyện về văn hóa, cuộc sống và tâm hồn của người Thái.
Chúng tôi tin rằng, qua trưng bày này, du khách sẽ có cơ hội cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế trong từng đường nét hoa văn trên mỗi tấm nà pha, và từ đó thêm trân trọng hơn các giá trị văn hóa dân tộc”.
TS. Vi Văn An - người Thái Nghệ An, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhìn nhận, nghề dệt đi vào đời sống của người Thái từ ăn, mặc, ở, nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng. Đồ vải chiếm vị trí quan trọng trong đời sống người Thái.
Phụ nữ Thái là người đóng vai trò chủ chốt trong nuôi tằm ươm tơ trồng bông dệt vải. Nghề trồng 3 bông dệt vải là thước đo về công dung ngôn hạnh của một cô gái.