Nâng cao chất lượng nhân lực ngành Du lịch: Cần thay đổi tư duy từ quản lý đến giảng dạy
Để nguồn nhân lực du lịch đápứng được yêu cầu trong bối cảnh công nghiệp 4.0, chúng ta cần có sự thay đổi tưduy từ cấp quản lý đến giảng dạy; nhất thể hóa nhận thức, mục tiêu đào tạo vàkhung chương trình đào tạo.
Để nguồn nhân lực du lịch đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh công nghiệp 4.0, chúng ta cần có sự thay đổi tư duy từ cấp quản lý đến giảng dạy; nhất thể hóa nhận thức, mục tiêu đào tạo và khung chương trình đào tạo.
Đây là các ý kiến được nêu lên trong Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh CMCN 4.0” do Trường Đại học Thương mại phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức tại Hà Nội ngày 8/7. Hội thảo nhằm định hướng những chính sách, giải pháp và khuyến nghị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, dựa trên việc nhận diện, đánh giá những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đến ngành Du lịch.
Các tham luận tại hội thảo cho thấy, nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Cụ thể, tính đến năm 2019, các chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực và thị trường lao động vẫn còn thấp mới chỉ xếp hạng 47/140 và đạt 4,8 điểm giảm so với năm 2017. Trong đó, tiêu chí mức độ định hướng khách hàng, Việt Nam đứng thứ 107, mức thấp nhất so với các nước trong khu vực; tiêu chí dễ dàng tìm kiếm nhân viên có tay nghề, Việt Nam xếp thứ 89 sau hầu hết các nước trong khu vực, trừ Campuchia; Tiêu chí về quy mô chất lượng đào tạo nhân viên cũng chỉ đứng vị trí thứ 69; Tiêu chí về hấp dẫn lao động thông qua mức lương chúng ta cũng ở mức hết sức hạn chế.
Theo GS. Nguyễn Văn Đính, chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam không đồng đều. Có sự chênh lệch giữa Tp.HCM với Hà Nội, giữa nông thôn với thành thị. Điều này thể hiện việc yếu kém trong quản lý, nhất là trong đào tạo. “Chúng ta không thể đào tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của xã hội nhất là trong bối cảnh công nghiệp 4.0 khi mà chính đội ngũ giáo viên giảng dạy yếu kém về nhận thức về ứng dụng công nghệ” – ông Đính nói. Lý giải điều này, ông cho hay, “các thầy cô chỉ giảng dạy lý thuyết suông vì chưa được trải nghiệm nên đây chính là sự yếu kém của công tác đào tạo”. Để giải quyết vấn đề này “các trường phải mời những người có kinh nghiệm, họ là những lãnh đạo doanh nghiệp giỏi, nhân lực đã từng trải nghiệm các dịch vụ du lịch cao cấp… về chia sẻ, giảng dạy và truyền đạt lại cho sinh viên. Đây mới chính là những kiến thực cập nhật nhất, phù hợp nhất, đáp ứng được yêu cầu của xã hội” – ông Đính khẳng định. Đồng thời ông cũng gợi ý “với thời lượng đào tạo tin học đại cương trong khung chương trình giáo dục hiện nay sẽ không áp dụng được trong thực tế. Giáo viên giảng dạy tin học cần phải dạy sinh viên cách ứng dụng công nghệ vào ngành học của mình. Phải chỉ cho sinh viên thấy, ứng dụng cái gì và ứng dụng như thế nào…”.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cũng nhìn nhận, “Hiện nay, đa số các trường đào tạo ngành Du lịch của Việt Nam mới chỉ chú trọng đào tạo nhân lực làm việc trực tiếp. Như vậy là chưa đáp ứng trúng nhu cầu mà xã hội đang cần. Chúng ta cũng cần phải có sự phân cấp trong đào tạo để đảm bảo được chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, đào tạo nhân lực nghiên cứu, giảng dạy phải khác với đào tạo nhân lực quản lý nhà nước về du lịch, quản lý doanh nghiệp du lịch và đặc biệt phải khác với đào tạo nhân lực lao động trực tiếp… Khi có sự phân cấp đó thì mới có được những khung đào tạo chuẩn. Và mới có những tiêu chí cụ thể cho từng vị trí công việc”.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch chúng ta “Cần có sự liên kết giữa 3 Bộ: Văn hóa Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc nhất thể hóa nhận thức, mục tiêu đào tạo và khung chương trình đào tạo từ cấp dưới trở lên nhằm tạo nguồn nhân lực dáp ứng được yêu cầu của xã hội…” – PGS.TS. Phạm Xuân Hậu, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Văn Hiến Tp.HCM đề xuất. Bên cạnh đó, ông Hậu cũng bày tỏ, với mục tiêu này, doanh nghiệp cũng cần phải có sự chung tay vào công tác đào tạo. Đó là hợp tác đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải trả phí cho nhà trường để đào tạo nhân lực.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần phải có những tiêu chí cụ thể cho việc đánh giá chất lượng nhân lực du lịch; những con số cụ thể về việc thiếu nhân lực lao động, vị trí việc làm… khi có những công bố con số cụ thể thì nhà trường dựa trên nhu cầu thực tế sẽ thiết kế chương trình tuyển sinh, khung đào tạo sao cho đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Khi cung-cầu gặp nhau mới giải quyết được những vướng mắc đang tồn tại hiện nay.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia du lịch, để đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, Việt Nam cũng cần phải có những tiêu chí đánh giá về năng lực của người làm du lịch trong thời đại 4.0, cụ thể như kiến thức, kỹ năng, thái độ… Để có được bộ tiêu chí này, cần phải có điều tra về đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Trên cơ sở đó sẽ là kim chỉ nam cho sự thay đổi, ứng dụng và linh hoạt trong các khâu tiếp theo.
Đoàn Hoa
Nguồn: Baodulich