image banner
THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
  
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đôi điều về thành cổ Nghệ An
Thành được xây dựng từnăm 1804 dưới triều Gia Long, nhưng lúc ấy chỉ xây bằng đất. Đến năm Minh Mạngthứ 12 (1831) mới được xây bằng đá, hình lục giác theo cấu trúc kiểu của VôBăng, một viên tướng Pháp (1633 - 1707) đã có sáng kiến thiết kế xây các thànhtrì phòng ngự thời cận đại của quân đội Pháp, được ưa chuộng ở Tây Âu. Thành vôBăng được xây dựng đầu tiên ở Việt Nam là thành Gia Định (năm 1790).

Đôi điều về thành cổ Nghệ An

Thành cổ Nghệ An hiện nay thuộc lãnh thổ của ba phường: Cửa Nam, Đội Cung và Quang Trung.

Thành được xây dựng từ năm 1804 dưới triều Gia Long, nhưng lúc ấy chỉ xây bằng đất. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831) mới được xây bằng đá, hình lục giác theo cấu trúc kiểu của Vô Băng, một viên tướng Pháp (1633 - 1707) đã có sáng kiến thiết kế xây các thành trì phòng ngự thời cận đại của quân đội Pháp, được ưa chuộng ở Tây Âu. Thành vô Băng được xây dựng đầu tiên ở Việt Nam là thành Gia Định (năm 1790).

Đến thời Tự Đức, thành cổ Nghệ An được tu lý lại, bờ thành được nâng cao thêm 2 thước ta (0,80m). Thành có 6 cạnh, chu vi dài 603 trượng (mỗi trượng bằng 10 thước, mỗi thước bằng 0,40m), dài khoảng 2.412m, cao 1 trượng 1 thước 5 tấc (4,42m), diện tích rộng 420.000m2, bao xung quanh có hào rộng 7 trượng (28m), sâu 8 thước (3,20m), trong hào được thả sen. Theo sách "Đại Nam thực lực chính biên", lúc khởi công xây dựng, triều đình nhà Nguyễn đã huy động 1.000 lính Thanh Hoá và 4.000 lính Nghệ An do quan thống chế tả quan Đỗ Quy đốc suất. Đến thời Tự Đức khi nâng cấp phải huy động 8.599 phiến đá sò lấy từ Diễn Châu và đá ong lấy từ Nam Đàn, trên 4.848 cân vôi, trên 155 cân mật mía, với kinh phí là 3.698 quan tiền. Thành Nghệ An không có cửa Hậu, chỉ có 3 cửa ra vào: Cửa Tiền, cửa Hữu và cửa Tả. Cửa Tiền là cửa chính để cho vua ngự giá, các vị quan trong tứ trụ, lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào. Cửa tiền hướng về phía Nam, cửa Tả hướng về phía Đông, cửa Hữu hướng về phía Tây. Muốn đi qua mỗi cửa, đều phải qua một cái cầu. Mỗi cửa có cánh cổng kiên cố để đóng mở.

Công trình lớn nhất ở vị trí trung tâm thành cổ Nghệ An là Hành cung, được xây dựng đẹp đẽ, nguy nga, nơi để cho vua ngự giá khi tuần du ra Nghệ An và cũng là nơi tổng đốc Nghệ An tiếp các vị tân khoa sau lễ xứng danh. Phía Đông Hành cung có dinh tổng đốc, phía Nam có dinh Bố Chánh và án sát, dinh Lãnh binh, dinh Đốc học, phía Bắc có trại lính và nhà ngục. Sau này ở phía Tây có nhà Giám binh người Pháp. Toàn bộ thành cổ Vinh được trang bị 65 khẩu súng thần công, trong đó có 47 khẩu bố trí ở 6 vọng gác và trên bờ thành, còn nữa tập trung ở Hành cung và dinh tổng đốc.

Thành cổ Nghệ An là nơi xẩy ra và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Từ năm 1804 đến năm 1945 luôn luôn là mục tiêu tấn công của các lực lượng khởi nghĩa chống lại bọn thực dân Pháp xâm lược và phong kiến Nam triều như cuộc khởi nghĩa năm Giáp Tuất (1874) dưới sự lãnh đạo của Trần Cấn và Đặng Như Mai, của phong trào Cần Vương dưới ngọn cờ của Phan Đình Phùng và Nguyễn Xuân Ôn. Đêm ngày 14/ 7/ 1901 kỷ niệm Quốc khánh nước cộng hoà Pháp, Phan Bội Châu chuẩn bị lực lượng đánh úp thành Nghệ An, nhưng kế hoạch bị lộ, Phan Bội Châu bị bắt, may có tổng đốc Nghệ An lúc đó là Đào Tấn cứu thoát.

Vào lúc 21 giờ 30 ngày 25 tháng chạp năm Đinh Tỵ (tối ngày 5/ 2/ 1918) khi tất cả lính khố xanh đang điểm danh ở sân thì có Nguyễn Thị Thanh (Chị cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh) phối hợp với Nguyễn Kiên bí mật trèo thành vào doanh trại lấy 3 khẩu súng để tiếp tế cho nghĩa quân của Đội Quyên đang đóng ở vùng Bồ Lư Thanh Chương. Sự việc này sau đó bị bại lộ, Nguyễn Kiên bị án chém ngay, Nguyễn Thị Thanh bị phạt đánh 100 trượng, tù khổ sai 9 năm, đày vào giam tại tỉnh Quảng Ngãi.

Thành cổ Nghệ An là nơi thực dân Pháp giam cầm, tra tấn cực kỳ man rợ các chiến sỹ cộng sản trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Đến ngày 13/01/1941, sau khi khởi nghĩa ở Đô Lương, Đội Cung đã hành quân cấp tốc tấn công vào thành cổ Vinh để cướp chính quyền, sự nghiệp không thành, song đã để lại một dấu son rực rỡ trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong các vị tổng đốc tự nhậm trong thành cổ Nghệ An, chỉ có Đào Tấn (1845 - 1907), người Tỉnh Bình Định làm tổng đốc Nghệ An hai lần (1893 - 1897 và 1900 - 1903) là người đã để lại trong nhân dân và sử sách nhiều ấn tượng đẹp đẽ.

Chuyện kể rằng, khi thành cổ xây xong, các cửa thành vẫn quét vôi trắng xoá, các quan tiền nhiệm sợ múa bút ở xứ sở của sĩ phu xứ Nghệ nên không dám đề thơ hoặc câu đối, thì vị tổng đốc Đào Tấn tự tay cầm bút đề lên mặt trước cửa tiền câu đối như sau:

"Hồng Lĩnh, Lam Giang tại kỳ tả hữu

Hoàng đồng, lạch tẩu nhi nhiên vãng lai"

(Nghĩa là: Núi Hồng, sông Lam ở bên trái, bên phải. Trẻ áo vàng già tóc trắng cứ tự nhiên đi qua).

Qua hai câu đối trên, Đào Tấn đã kín đáo thể hiện tấm lòng yêu nước của mình rằng cho dù hiện tại bọn trẻ nít da vàng (chỉ bọn tay sai bán nước) và bọn tây da trắng đang nghênh ngang qua lại thì núi Hồng, sông Lam vẫn bền vững mãi mãi với người dân xứ Nghệ./.

Đình Hà (TH)


CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ DU LỊCH NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm nội dung: Giám đốc sở - Nguyễn Mạnh Cường
Trụ sở: Số 64 - Đường Nguyễn Thị Minh Khai - Thành phố vinh - Nghệ An
Điện thoại: 02383.841.557 - Email: dulichna@nghean.gov.vn