CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ "CHÌA KHÓA" THÚC ĐẨY KINH TẾ NGHỆ AN PHÁT TRIỂN
LTS: Với nhiều tiện ích mang lại, chuyển đổi số ở Nghệ An đang trở thành phương pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng suất lao động, giúp bà con xoá đói giảm nghèo nhanh chóng.
Phát triển du lịch cộng đồng nhờ công nghệ số
Được ví như "tiểu Sapa" của Nghệ An, cổng trời Mường Lống tại huyện Kỳ Sơn sở hữu vị trí tuyệt đẹp, khi nằm gọn trong lòng thung lũng của một ngọn núi cao đến 1.500m.
Từ năm 2020, Mường Lống đã xây dựng 3 điểm dịch vụ phục vụ du khách ăn uống, nghỉ ngơi và tham quan. Mỗi điểm đáp ứng phục vụ các đoàn khách quy mô từ 15 – 20 người/đoàn.
Điểm khó là Mường Lống nằm cách trung tâm Tp. Vinh hơn 300km. Trước đây, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, đi lại khó khăn nên ít người biết đến. Vậy nên, mặc dù rất muốn trải nghiệm nhưng nhiều du khách cảm thấy băn khoăn khi không biết tại nơi này có những dịch vụ gì, ăn ở đâu, chơi những trò nào.
Tuy nhiên, hơn 2 năm nay đã có nhiều thay đổi khi công nghệ số phát triển, nhiều hình ảnh về Mường Lống được lan toả. Đặc biệt, khi huyện Kỳ Sơn tổ chức ngày hội hái mận tại xã Mường Lống, thì thông tin về địa điểm này đã đến gần hơn với mọi người.
Ông Phan Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết: "Vườn mận Mường Lống trở nên nổi tiếng cách đây vài năm với hình ảnh hoa mận nở trắng núi rừng mỗi dịp Tết đến Xuân về. Năm nay, vườn mận cho thu hoạch sớm nên khách du lịch đến trải nghiệm rất đông. Việc đặt tên "Vườn mận chữa lành" là để bắt trend (xu hướng - PV) đã khiến nhiều người biết đến hơn".
Những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội lập tức tạo nên hiệu ứng tốt. Rất đông du khách đã tìm về Mường Lống chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc thiên nhiên chuyển mùa.
"Những cảnh đẹp của địa phương, cùng phong tục tập quán của nhân dân bao đời ở Mường Lống, nhờ có công nghệ số, nhờ có internet, có điện thoại thông minh mà được không những du khách trong nước, cả du khách nước ngoài biết đến. Đây là sự thay đổi lớn, giúp cho du lịch tại địa phương thay đổi", ông Mạnh nói.
Cũng chính vì vậy, huyện Kỳ Sơn đang tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, tập huấn công nghệ cho bà con và khôi phục cây mận để tạo ra giá trị phát triển du lịch cho địa phương.
Bà Vi Thị Thắm, Chủ tịch Công ty TNHH Trung tâm Điều phối du lịch miền Tây Nghệ An (TNT Tây Nghệ Tourist) cho biết, hiện nay, các địa phương dọc các tuyến Quốc lộ 48 và Quốc lộ 7 trên địa bàn Nghệ An đều có những đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên, cũng như bản sắc văn hoá giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, do không quảng bá nên ít người biết đến.
"Trong thời đại 4.0, kết nối qua không gian mạng giúp làm mờ khoảng cách địa lý, cũng như tạo ra những ấn tượng, trải nghiệm ban đầu cho du khách. Việc quảng bá rất quan trọng, những hình ảnh đẹp tại các điểm du lịch sẽ thu hút du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng", bà Thắm nói.
Thách thức trong ứng dụng công nghệ số để quảng bá du lịch
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết, việc ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là chuyển đổi số đang là xu hướng hàng đầu và là tất yếu của các doanh nghiệp du lịch để bắt kịp sự chuyển đổi trong mô hình kinh doanh và makerting.
Đối với ngành du lịch Nghệ An, đến năm 2030, chuyển đổi số được ngành xác định mục tiêu hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh và đã được UBND tỉnh phê duyệt trong Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
"Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch được hiểu là việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh và tiếp thị truyền thống, sang mô hình kinh doanh hiện đại hơn nhằm tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách du lịch theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu", Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết
Trải qua đại dịch Covid-19, những người làm du lịch nhận thấy chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết, vừa là một xu hướng tất yếu đối với ngành Du lịch hiện tại và tương lai.
Mặc dù vậy, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cũng cho biết, quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể: Hạ tầng kỹ thuật cho quá trình chuyển đổi số và hệ thống máy móc chưa đồng bộ; Nguồn ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số, nhân lực có chuyên môn còn hạn chế; Nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp du lịch về tầm quan trọng của chuyển đổi số còn chưa cao…
Do xuất phát điểm còn thấp nên để giải bài toán trên, Nghệ An đã ưu tiên xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số tập trung và xúc tiến, quảng bá du lịch trên các nền tảng truyền thông số như: mạng xã hội, cổng thông tin du lịch, app…
Hiện tại, Sở Du lịch Nghệ An đã xây dựng và vận hành Cổng thông tin du lịch visitenghean - nơi cập nhật các thông tin về địa điểm, các sản phẩm dịch vụ du lịch.
Đồng thời, tỉnh Nghệ An cũng đã hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng số tại một số điểm du lịch như phát sóng wifi miễn phí tại các điểm công cộng ở biển Cửa Lò, phố đi bộ Tp. Vinh; Áp dụng công nghệ bản đồ số du lịch tương tác thông minh 3D/360o tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên…
"Mục tiêu bước đầu của chuyển đổi số du lịch Nghệ An là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, điều hành toàn diện hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch, hỗ trợ khách du lịch chuẩn bị trước, trong và chuyến đi, nhằm nâng cao chất lượng thông tin và trải nghiệm của khách du lịch", ông Cường nói.
Trong buổi hội thảo khoa học "Chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch Nghệ An", ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, địa phương ưu tiên các nền tảng, hạ tầng du lịch thông minh số tỉnh Nghệ An đến năm 2025.
Cũng vì vậy, ngành du lịch muốn phát triển cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số ngành du lịch cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân tham gia làm du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch.
Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch sẽ là những đơn vị đi đầu, chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai các ứng dụng du lịch thông minh, quan tâm đào tạo, bố trí nhân lực có chuyên môn về du lịch thông minh…