Làng "cá gỗ" nổi tiếng ở Nghệ An, đất khoa bảng nức tiếng sở hữu cái nghề có một không hai
Theo báo Dân Việt
Ðó là điều mà đông đảo du khách sẽ cảm, sẽ hiểu và sẽ yêu, khi về với “làng cá gỗ” Quỳnh Ðôi, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) về với ngôi làng khoa bảng nức tiếng sở hữu cái nghề truyền thống có một không hai - nghề học!
Con người xứ Nghệ thường được định danh bằng hai cụm từ mang tính biểu tượng, “ông đồ gàn” và “dân cá gỗ”. “Gàn” mang nghĩa cực đoan trong tính cách, “cá gỗ” thường được hiểu ngầm hà tiện, ki bo.
Tưởng họ sẽ tự ái, chẳng ngờ lại vô cùng tự hào, lại coi chúng là thương hiệu đại diện tinh thần Nghệ và khí chất Nghệ.
Ðó là điều mà đông đảo du khách sẽ cảm, sẽ hiểu và sẽ yêu, khi về với “làng cá gỗ” Quỳnh Ðôi, về với ngôi làng khoa bảng nức tiếng sở hữu cái nghề truyền thống có một không hai - nghề học!
Người dân làng Quỳnh tái hiện câu chuyện “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ”.
“Bắc Hà-Hành Thiện/Hoan Diễn-Quỳnh Ðôi”
Từ xa xưa, dân gian đã lưu truyền câu nói này, để vinh danh hai ngôi làng nổi tiếng nhờ sự học hành và đỗ đạt. Xứ Bắc có xã Hành Thiện (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), miền Trung có xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Hơn sáu thế kỷ trước, Quỳnh Đôi chỉ là vùng đất ngập mặn bồi tụ đang trong quá trình ngọt hóa. Dưới góc nhìn của ông Hồ Kha, một quan chức đời Trần, cảnh sắc nơi đây không “sơn thủy hữu tình” nhưng lại là miền đất “địa linh nhân kiệt” với “đinh phong dẫn mạch, tinh thủy đáo đường”. Năm 1378, ông giao con trai trưởng Hồ Hồng cùng các ông Nguyễn Thạc, Hoàng Khánh khai cơ lập làng, với tên gọi ban đầu Thổ Đôi.
Làng Quỳnh như cách gọi thân thương của người dân Quỳnh Đôi vốn không có núi nhưng trông ra bốn phía đều thấy núi non chầu về.
Núi Quy Lĩnh hình cái bảng gọi là bảng giáp, núi Hiền Hoa là bảng canh, núi Yên Mã hình yên ngựa, núi Trụ Hải hình cái tán, dòng Mai Giang uốn khúc phía Đông chảy ra cửa Quèn. Thêm Hòn Thoi ở xã Quỳnh Giang, Hòn Bút ở xã Quỳnh Ngọc, thế sông, dáng núi (hình nghiên, bút, bảng, cờ, trống) ấy đã củng cố niềm tin, nuôi dựng ý chí cho dân làng Quỳnh Đôi, rằng đây là nơi “đất lành, chim đậu”, là nơi phát tiết, hưng thịnh về đường học hành.
Nhà thờ họ Hồ Đại tộc, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia ngày 22/01/1992.
Người làng Quỳnh luôn tự hào khi sở hữu một bản hương ước cổ ra đời từ năm 1638, do Viên ngoại lang bộ Công Phan Khuê đề xướng trên cơ sở tập hợp những khoán ước của làng.
Hình thành từ rất sớm nhưng bản hương ước này chứa đựng nhiều tư tưởng tiến bộ về pháp luật và dân chủ, tạo hành vi tự giác của từng cá nhân để làm nên sức mạnh cộng đồng.
Đề cao giáo dục bằng những chính sách khuyến học, trọng người có chữ hơn người làm quan... là những điểm nhấn khiến bản hương ước trở thành dấu son trong những trang vàng lịch sử của làng.
Người làng Quỳnh không quên dấu mốc năm 1440, khi người thầy đầu tiên Dương Văn Khai được mời về làng dạy học và trở thành người đặt nền móng cho truyền thống hiếu học, khoa bảng rạng danh sau này. Mảnh đất này sinh ra và dưỡng nuôi nhiều bậc hiền tài giúp nước, giúp dân.
Với diện tích chưa đầy một cây số vuông, nhưng trong vòng 540 năm, tính từ năm 1378 tới cái mốc 1918 khi triều đình bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, làng đã có tới 734 sĩ tử đậu Tú tài và Cử nhân, 88 người thi Hội trúng Tam trường, 4 Phó bảng, 7 Tiến sĩ, 2 Hoàng giáp và 1 Thám hoa.
Không chỉ có vậy, Quỳnh Đôi sở hữu tới 9 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có tới 8 di tích ở tầm vóc quốc gia: Đền Thần, Đình làng Quỳnh Đôi, Nhà thờ họ Hồ Đại tộc, Nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ, Đền thờ Hoàng Khánh, Đền thờ danh sĩ Hồ Sĩ Dương, Nhà thờ Quận công Hồ Phi Tích, Nhà thờ họ Dương và Cụm di tích quốc gia Nhà thờ và mộ cụ Hồ Tùng Mậu.
Người làng Quỳnh cũng vô cùng tự hào khi mảnh đất này trở thành nơi chôn rau cắt rốn của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích, Tể tướng Hồ Sĩ Dương hay nhà cách mạng kiệt xuất Hồ Tùng Mậu, Anh hùng Lực lượng vũ trang Cù Chính Lan...
Anh hùng, bất khuất đi qua hai cuộc chiến tranh giữ nước, ngôi làng kiên trung, giàu truyền thống cách mạng này đã được ghi nhận “25 năm quân đủ, thóc thừa”, được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trở thành Làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Nghệ An và là một trong ba cái tên được chọn xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu giai đoạn 2015-2020.
“Ông đồ Nghệ và con cá gỗ”
Về thăm làng Quỳnh một ngày đầu xuân, bạn sẽ bắt gặp hình tượng cá gỗ ở khắp mọi nơi. Cá chép nỗ lực vượt vũ môn để hóa rồng ngay trên cổng làng bề thế. Cá gỗ thành biển chỉ đường, cá gỗ là vật trang trí vui mắt trên mọi nẻo đường làng, ngõ xóm.
Cá gỗ vàng ruộm nhìn ngon mắt như cá rán được khắc họa sinh động trong tiểu phẩm “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ” mà những người nông dân tái hiện ngay trước không gian thờ tự Quận công Hồ Phi Tích.
Và cá gỗ hiện diện trên chiếc cốc tre, như một vật phẩm kỷ niệm ấn tượng mà dân làng gửi gắm đến những người khách lạ từ phương xa.
Không mang nghĩa trào lộng của câu chuyện dân gian về ông bố hà tiện bắt con cái ngắm cá rồi chép miệng và cơm, con cá gỗ cất giấu trong tay nải của thầy đồ xứ Nghệ lên kinh dạy học lấy tiền lộ phí đi thi là biểu tượng cho thái độ cần cù, ham học cùng tính cách khí khái, đề cao lòng tự trọng lắm lúc tới mức cực đoan của những “ông đồ gàn”.
Dăm tiếng đồng hồ tản bộ thăm thú làng Quỳnh sẽ giúp du khách bóc tách từng lớp di sản văn hóa-lịch sử giàu có của ngôi làng.
Làng chính là xã, có lẽ hiếm xã nào chỉ có một làng như Quỳnh Đôi. Những nếp nhà khang trang, những con đường xanh mát, những công trình tín ngưỡng cổ kính tuyệt đẹp, những di tích gắn với tên tuổi tài danh quen thuộc trong sử sách.
Cá gỗ trang trí mang lại vẻ sinh động cho đường làng, ngõ xóm tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Làng có đền Thần thờ Thành hoàng và những nhân thần có công khai thôn lập ấp. Làng có di tích lớp học đầu tiên của thầy Dương Văn Khai, nơi các thầy đồ khăn gói tỏa đi muôn nẻo, nơi các sĩ tử còng lưng dùi mài kinh sử mang nghề học và dạy học vươn xa để những bồ chữ nghĩa thánh hiền mang lại ánh hào quang làm rạng danh cho dòng tộc, quê hương.
Làng có mái ấm của những tên tuổi Hồ Sĩ Dương, Hồ Tùng Mậu, Cù Chính Lan... Làng có cả nhà bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương, có giếng cổ Bà Cả gắn với hình ảnh “gánh nước trượt chân” - nơi Bà chúa thơ Nôm ứng tác Tức cảnh vũ hậu nhằmđáo để đáp trả đám trai làng chọc ghẹo (Vén bức màn mây thấy mặt trời/ Xanh xanh từng đám, trắng từng nơi/ Núi non cũng muốn nhô đầu dậy/ Cây cỏ trăm hoa mỉm miệng cười).
Bức tượng "Bà chúa thơ nôm" Hồ Xuân Hương - Danh nhân văn hóa thế giới trong khuôn viên Nhà thờ họ Hồ, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Làng còn gìn giữ nguyên vẹn ngôi nhà cụ Cử Tư (Hồ Sỹ Tư), một gia đình có tới bốn thế hệ được gặp Bác Hồ.
Làng vẫn đinh ninh lời tri ân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, khi cùng hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung gửi tới dân làng ba vái trước lúc rời đi, “làng Quỳnh ta là đất văn hiến, lắm khoa bảng và giàu nghĩa khí, dân hàng tỉnh ai cũng khâm phục.
Riêng đối với tôi, làng Quỳnh là nơi nghĩa trọng tình cao”. Câu chuyện đầy xúc động này cũng đã được những người con làng Quỳnh hôm nay chuyển tải tới du khách, qua tiểu phẩm Người đã về đây.
Chọn hướng đi xây dựng và khai thác sản phẩm từ mạch nguồn văn hóa, để ánh hào quang mà bao thế hệ cha ông đắp bồi, gìn giữ được tỏa sáng trong đời sống hôm nay là một cách làm du lịch độc đáo và sáng tạo.
Chỉ cần khách tới chơi nhà là những cư dân thuần nông chất phác lập tức biến thành diễn viên, thành người dẫn chuyện trầm bổng với giọng Nghệ ngọt thỉu, thành những chủ nhà hiếu khách tiếp đãi nhiều món ăn đặc sản đậm vị quê nhà như bún cá giá ruốc, cá lơi, canh lá lằng, bánh mướt...
Chỉ cần khách tò mò dừng lại trước cửa, mỗi người dân đều có thể trở thành một hướng dẫn viên bản địa tuyệt vời, khi hào hứng kể chuyện làng, chuyện đất, chuyện người với vẻ tự hào không giấu giếm.
Người dân làng Quỳnh trở thành những hướng dẫn viên bản địa để chia sẻ với du khách bốn phương niềm tự hào về truyền thống hiếu học của làng mình.
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu hồ hởi, “ra mắt tour du lịch Làng cá gỗ - Sau ánh hào quang mới chỉ là bước khởi đầu. Quỳnh Đôi mong mỏi sẽ sáng tạo thêm nhiều chương trình tham quan - với đa dạng chủ đề và dịch vụ để ngôi làng này dần trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Nghệ An”.
Còn tôi, một du khách may mắn được trải nghiệm làng Quỳnh hôm đó đã kịp nghĩ về một mô hình du lịch văn hóa hấp dẫn được nhân bản tới nhiều ngôi làng nổi danh về sự học trên cả nước như Hành Thiện (Nam Định), Thổ Hoàng (Hưng Yên), Mộ Trạch (Hải Dương), Trung Cần (Nghệ An), Kẻ Vẽ (Hà Nội), Ngọc Quan (Bắc Ninh)... Biết đâu chúng ta sẽ có thêm một loại hình du lịch khám phá mới toanh đậm chất Việt Nam - du lịch làng khoa bảng!