Mô hình “Kinh tế xanh” đã gõ cửa Việt Nam từ lâu nhưng vẫn còn là khái niệm mới mẻ. Định hướng về mục tiêu xanh hóa nền kinh tế được thể hiện thông qua “Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ 2021-2030. Nền kinh tế xanh đặt ra thách thức lớn cần giải quyết là làm sao để hài hòa giữa việc phát triển lợi ích kinh tế và việc bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên.
Tại Hội nghị quốc tế “Vai trò của Nền kinh tế Xanh trong bảo tồn Di sản Văn hóa và Thiên nhiên”, ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đưa quan điểm, sự nghiệp bảo tồn các di sản lịch sử - văn hóa và các hoạt động khai thác tiềm năng văn hóa phục vụ cho các mục tiêu kinh tế là những hoạt động ngược nhau về động cơ, mục tiêu và hành vi. Trong bối cảnh đó, không chỉ người dân mà đôi khi cả các cấp chính quyền tại các vùng lõi di sản phải tự đấu tranh để lựa chọn giữa các giá trị thiêng liêng, lâu dài với các mục đích vụ lợi trước mắt.
“Phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hóa vốn có của dân tộc, phát triển kinh tế phải gắn với sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và văn hóa lịch sử truyền thống vì mục tiêu phát triển bền vững”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Đại diện Ban Quản lý vịnh Hạ Long khẳng định, Vịnh Hạ Long xác định lấy kinh tế xanh là công cụ, phương tiện, “chìa khóa” quan trọng, lâu dài để đạt được mục tiêu phát triển bền vững theo Chính sách UNESCO về “Di sản thế giới và Phát triển bền vững”. Đó là các mục tiêu và hoạt động phát triển không được làm mai một hay suy giảm các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản.
Trong định hướng, mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long, Di sản vịnh Hạ Long giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh, là động lực trong phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Tham luận tại hội nghị, ThS. Phạm Hồng Thái - Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng cho biết, du lịch ở vườn quốc gia không chỉ đóng góp phát triển kinh tế mà còn là giúp bảo tồn di sản, giảm áp lực lên tài nguyên thông qua tạo việc làm cho người dân, phát triển các dịch vụ du lịch mới như các homestay, farmstay... Điều này tạo ra xu hướng chuyển lao động trước đây từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang phát triển du lịch, dịch vụ, làm giảm đáng kể áp lực lên tài nguyên vườn quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn di sản, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Nhiều đại biểu đến từ Ban quản lý các khu di tích nổi tiếng như Hoàng thành Thăng Long, Quần thể danh thắng Tràng An, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn… cũng thống nhất quan điểm. Mô hình kinh tế xanh được kỳ vọng có thể đem đến cho Việt Nam một cơ hội định vị lại mình trong một thị trường thế giới đầy tiềm năng về cơ hội phát triển bền vững.